Linh Đạo _ I. Phong trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại là gì?




Linh Đạo Phong trào

Giáo dân Việt Nam Hải Ngoại


PTGDVNHN có mục đích giúp Giáo dân:
1) Sống Đạo giữa đời
2) Đem Đạo vào đời
3) Hướng về Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam, 
Bằng cách
− nâng đỡ nhau trong tình anh chị em như trong một gia đình,
− giúp nhau sống đích thực tinh thần Kitô giáo ngay trong môi trường gia đình và xã hội mình đang sống.


I.

Phong trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại là gì?

A. Phong trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại
1) Định nghĩa:

1. Phong trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại (viết tắt: PTGDVNHN) là phong trào chủ yếu dành cho những Kitô hữu giáo dân đang sống tại hải ngoại, là những người phải sống xa Quê hương, bị  ngăn cách với Giáo Hội Mẹ Việt Nam, nhưng vẫn hướng lòng về Quê hương và Giáo Hội Việt Nam.

Vì thế người Giáo dân Việt Nam Hải ngoại
       vừa «sống Đạo giữa đời» rồi «đem Đạo vào đời» trong môi trường sống mới,
       vừa cố gắng trong khả năng của mình giúp Quê hương và Giáo Hội Việt Nam phát triển tốt đẹp.

Trong ý hướng đó, PTGDVNHN được thành lập ngày 07 tháng 10 năm 1992 tại Roma để giúp các Giáo dân Việt Nam Hải ngoại thực hiện được hai nghĩa vụ trên (1*).
________________________________
(1*) Văn bản «Công Bố Thành lập Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại» do Đức Ông Philliphê Trần Văn Hoài ký tên, đã xác định mục đích của Phong trào là: «Tạo điều kiện cho Giáo dân Việt Nam Hải ngoại ý thức và thực thi sứ mệnh và vai trò của mình trong Giáo Hội và giữa trần-thế, được minh định trong các Văn Kiện của Tòa Thánh và được cô đọng trong Tông Huấn “Christi Fides Laici” của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II» (Thủ Bản, trang 68).

2. PTGDVNHN là một phong trào giáo dân có những đặc tính căn bản như mọi phong trào giáo dân khác, như giúp giáo dân thánh hóa bản thân, đồng thời cổ võ và tổ chức cho người giáo dân dấn thân làm việc tông đồ, mở mang Nước Chúa trong các môi trường xã hội trần thế.

Tuy nhiên, mỗi phong trào giáo dân đều có những tính cách riêng khác với những phong trào giáo dân khác. PTGDVNHN cũng có những tính cách riêng của nó (2*).
________________________________
(2*)   Những đặc tính chung và căn bản cần được đặt nặng và quan tâm thực hiện hơn những đặc tính riêng biệt của từng phong trào.

2) Tính cách riêng của PTGDVNHN

PTGDVNHN được xây dựng trên bốn nền tảng:

  Sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô,
  Công Đồng Vatican II,
  Đặc biệt Giáo huấn của Giáo Hội về những vấn đề xã hội, hay Học thuyết xã hội của Giáo Hội,
  Tính cách và hoàn cảnh của các Kitô hữu Người Việt tại hải ngoại.

Do đó,

a- PTGDVNHN tìm cách đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội Việt Nam và Dân Tộc Việt Nam trong hoàn cảnh rất đặc biệt của Giáo Hội và Dân Tộc Việt Nam hiện nay, vốn bao gồm cả trong nước lẫn hải ngoại. Những hoạt động của PTGDVNHN yểm trợ việc đòi hỏi tự do tôn giáo của Giáo Hội Việt Nam và cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại quốc nội xuất phát từ tính cách này. 

b- Về phương thức hoạt động tông đồ, PTGDVNHN nhận định theo quan điểm mới của Công Đồng Vatican II: Môi trường xã hội và thế giới hiện nay đã bị đảo lộn rất nhiều trong thế kỷ 20 và 21, con người không muốn chấp nhận các quan niệm cũng như các giá trị luân lý và tôn giáo cổ truyền, mà muốn thay đổi quan niệm và đi tìm những giá trị mới.

Công Đồng Vatican II đã nhận ra rằng phương thức làm tông đồ theo lối cổ truyền không còn hiệu nghiệm nữa. Công Đồng đã đề ra 2 phương thức tông đồ mới là «hội nhập văn hóa» (3*) và «đối thoại tôn giáo» (4*) mà PTGDVNHN làm theo để đem Đạo vào đời trong môi trường xã hội mình đang sống.
________________________________
(3*)   Hội nhập Văn hóa là đem tinh thần Phúc Âm áp dụng một cách thích ứng vào nền văn hóa đặc thù của từng dân tộc, trên tinh thần thừa nhận và tôn trọng giá trị tốt đẹp của các nền văn hóa ấy; chứ không đem thứ «văn hóa công giáo» của những người truyền giáo áp đặt lên các dân tộc, buộc họ phải theo như Giáo Hội đã từng thực hiện trong các thế kỷ trước Công Đồng Vatican II. Truyền giáo theo phương thức cổ truyền này đã bị thất bại nặng nề tại Á Châu, đặc biệt tại Trung Hoa và Việt Nam.
(4*)   Đối thoại tôn giáo tạo cơ hội cho các tôn giáo tìm hiểu nhau, nhận ra những mặt mạnh hay những giá trị ưu việt của nhau trong công cuộc giáo hóa các dân tộc. Nhờ hiểu biết những giá trị của nhau, các tôn giáo sẽ tôn trọng nhau, yêu thương nhau, và sẵn sàng hợp tác với nhau để cùng xây dựng lợi ích chung, cùng nhau giúp các dân tộc phát triển về tâm linh, tinh thần cũng như vật chất. Chính trong tinh thần đối thoại, hợp tác trong thông cảm và yêu thương này mà các dân tộc dễ nhận ra và chấp nhận tinh thần và sứ điệp của Chúa Kitô hơn.


c- Bốn môi trường hoạt động chuyên biệt của PTGDVNHN:

Theo đường hướng mới của Công Đồng Vatican II, PTGDVNHN chủ trương thực hiện việc tông đồ trong bốn môi trường chuyên biệt sau đây:

– Tôn giáo: Sẵn sàng đến với người đồng đạo, cùng là Kitô hữu với mình, để chia sẻ đời sống nội tâm, khuyến khích nhau sống đạo và «đem Đạo vào đời», tiếp tay với hàng giáo sĩ trong việc mở mang và phát triển Giáo Hội. Ngoài ra, cũng sẵn sàng tiếp xúc với các tín đồ tôn giáo khác để trao đổi kinh nghiệm tâm linh trong tinh thần cởi mở, nhất là làm chứng cho tinh thần Phúc Âm bằng chính cuộc sống xả thân, đầy tình người theo gương Chúa Kitô.

– Văn hóa: Khéo léo đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào nền văn hóa của dân tộc mình, vào nếp sống, vào cách suy nghĩ và hành động của những người chung quanh, bằng mọi hình thức, nhất là bằng gương sáng của chính mình.

– Xã hội: Làm cho xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, bằng cách cổ võ, phát huy và thực hiện công bằng xã hội theo tinh thần Học thuyết Giáo Hội về xã hội.

– Chính trị: Chính trị là một phương tiện rất hữu hiệu để cải thiện xã hội (5*). Càng có nhiều người «có tâm và có tầm» (hay có đức và có tài) dấn thân vào chính trị (trong các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong các tổ chức công quyền…), thì xã hội càng dễ trở nên tốt đẹp hơn. Cũng vậy, càng có nhiều Kitô hữu gương mẫu dấn thân chính trị, thì xã hội càng dễ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm Chúa Kitô hơn. (6*)
________________________________
(5*)   Nhưng chính trị cũng là một phương tiện hữu hiệu cho điều ác nếu lọt vào tay những người xấu. Người tốt không thể vô trách nhiệm khi để cho phương tiện này lọt vào tay người xấu chỉ vì mình từ chối không sử dụng phương tiện này.
(6*)   Luật của Giáo Hội về vấn đề làm chính trị:
          • Giáo Hội phân biệt hai trường hợp:
          – làm chính trị theo sự thúc đẩy của lương tâm hay đức ái , nhằm lợi ích trực tiếp cho đại chúng,
          – và làm chính trị đảng phái, nhằm lợi ích trực tiếp cho phe nhóm hay đảng phái của mình; vì thế, lợi ích của đại chúng chỉ được nhắm đến cách gián tiếp.
          Theo luật Giáo Hội, giáo sĩ không được phép làm chính trị đảng phái, còn giáo dân thì được tự do. Nói chung, những gì mà lương tâm hay đức ái đòi hỏi, dù có liên quan ít nhiều đến vấn đề chính trị, thì dù là giáo sĩ hay giáo dân cũng đều nên làm và nhiều khi buộc phải làm. Giáo Hội không chủ trương làm chính trị, chỉ chủ trương làm theo đòi hỏi của đức ái hay của lương tâm mà thôi. Nếu khi làm theo những đòi hỏi của đức ái hay của lương tâm mà việc ấy mang tính cách chính trị, thì Giáo Hội không vì thế mà tránh né.
          Đức ái và lương tâm là luật cao nhất của luân lý Kitô giáo:
          – Vì đức ái chính là hiến pháp, là luật tối thượng bao trùm tất cả mọi khoản luật: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8; x. 18,10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2). Thánh Giacôbê cho đức bác ái là luật cao nhất của Kinh Thánh: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8).
          – Về Lương Tâm, Giáo Hội dạy: «Lương tâm là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Đức Kitô» (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, § 1778).

Phong trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại trước tiên và căn bản là một Phong trào Giáo dân, nên phải sống cho đúng tinh thần của một Phong trào Giáo dân.

B. Phong trào Giáo dân
1) Định nghĩa:

Phong trào Giáo dân là tổ chức giúp các thành viên thực hiện 2 mục đích:

– Thánh hóa bản thân hay «sống Đạo giữa đời»: là sống đúng tinh thần người Kitô hữu giữa trần thế, với tư cách là «con cái của Thiên Chúa»;

– Thánh hóa môi trường hay «đem Đạo vào đời»: là làm tông đồ, là làm cho môi trường gia đình và xã hội nơi mình đang sống thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô theo phương hướng và sự chỉ dẫn của Giáo Hội (7*).
________________________________
(7*)   «Phong trào Giáo dân là một phong trào tông đồ giáo dân thành lập trên căn bản thần học của các văn kiện của Công Đồng Vatican II, và nhất là theo tư tưởng hướng dẫn của Sắc lệnh “Tông đồ Giáo dân”» (Thủ Bản của Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại, trang 50).

Mục đích trước phải là nền tảng và là điều kiện để thực hiện tốt mục đích sau: bản thân mình có thật sự sống tốt tinh thần Chúa Kitô thì mới có thể làm cho người khác sống tinh thần ấy được (8*).
________________________________
(8*)   «Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời» (Mt 5,14-16).

          «Không ai có thể cho cái mình không có» (Nemo dat quod non habet). Châm ngôn latinh có câu: «Facere et docere» (làm trước, dạy sau). Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu nói: «Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em» (Ga 13,15).

Thực hiện được hai mục đích ấy chính là «sống thánh giữa đời». «Giữa đời» hay «tại thế» là đặc tính chung của người giáo dân, vì bậc giáo dân –vốn chiếm tuyệt đại đa số trong Giáo Hội– là bậc tiếp xúc rộng rãi với đủ mọi tầng lớp trong xã hội và thế giới, khác với bậc giáo sĩ và tu sĩ (9*) có môi trường tiếp xúc hạn chế hơn rất nhiều.
________________________________
(9*)   Có 3 bậc sống hay 3 loại ơn gọi căn bản khác nhau trong Giáo Hội là giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.
          – Giáo sĩ là những Kitô hữu có chức thánh gồm các thầy sáu, các linh mục, giám mục, hồng y, giáo hoàng, có nhiệm vụ  phục vụ và rao giảng lời Chúa, đồng thời điều hành và cai quản Giáo Hội (từ cấp địa phương đến cấp trung ương). 
          – Tu sĩ là những Kitô hữu (nam hoặc nữ) cam kết sống các lời khuyên Phúc Âm (khiết tịnh, thanh bần, vâng phục) cách sâu xa triệt để, nhằm thoát khỏi mọi ràng buộc trần gian mà thuộc trọn về Chúa, họ thường sống chung với nhau trong các tu viện hay nhà dòng.
          – Giáo dân là những Kitô hữu không có chức thánh, tức không thuộc hàng giáo sĩ (trong đó bao gồm cả những tu sĩ không có chức thánh). Tuy nhiên, giáo dân thường được hiểu là những Kitô hữu không thuộc hai bậc sống trên. Đa số giáo dân là những người có gia đình, con cái, và họ chiếm tuyệt đại đa số trong Giáo Hội.

2) Nhiều cách sống thánh khác nhau

Việc «sống thánh»  hay «nên thánh» chỉ có một, nhưng vì mỗi người một tính tình, một hoàn cảnh, một nếp sống khác nhau, nên đường lối nên thánh của mỗi người mỗi khác. Cách nên thánh của một giáo dân sống ngoài đời (phải đầu tắt mặt tối với công ăn việc làm, với gia đình, với đàn con, với những quan hệ xã hội) đương nhiên không thể giống như đường lối nên thánh của một linh mục hay tu sĩ –vốn không phải lo những chuyện bon chen ngoài đời, chuyện «cơm, áo, gạo, tiền», không phải nheo nhóc với đàn con, mà chỉ chủ yếu lo những chuyện tinh thần, đạo nghĩa. Cách nên thánh của các linh mục triều sống giữa giáo dân cũng khác với cách nên thánh của các tu sĩ dòng sống chung với nhau trong bốn bức tường tu viện. Mỗi cách thức hay đường lối nên thánh ấy gọi là linh đạo.

Người Giáo dân có linh đạo riêng, có đường lối nên thánh riêng phù hợp với tình trạng và hoàn cảnh sống của mình.
3) Linh đạo

Linh đạo (10*) là đường hướng sống đạo, lề lối tu đức, là cách thức nên thánh của người Kitô hữu trong Thánh Linh, Đấng luôn luôn hiện diện và tác động trong đời sống người Kitô hữu. Sống linh đạo là sống theo Thánh Linh, nhờ Thánh Linh dẫn dắt mình «đến với Chúa Cha, qua Đức Kitô» (Ep 2,18).
________________________________
(10*)  Linh (靈): có nghĩa là thần thiêng, tinh thần, thần khí, thiêng liêng, là tính chất của thần, thánh, hồn, v. v… Nên Linh cũng là đặc tính của Thiên Chúa, nhất là của Thánh Thần. Trong Thánh Kinh, Đức Giêsu xác định: «Thiên Chúa là Linh» , hay «Thiên Chúa là Thần Khí». Đạo (道): có nghĩa là đường để đi, là phương cách đạt đến mục đích.
          Linh đạo: là con đường thiêng liêng, của tâm linh, dẫn con người tới Thiên Chúa, tới sự thánh thiện. Trước đây người ta thường gọi là «đàng thiêng liêng», «đường trọn lành», «đường lối tu đức». Nhưng hiện nay, từ «linh đạo» thường được dùng để nhấn mạnh và đề cao vai trò của Chúa Thánh Linh trong việc nên thánh, trong đời sống của linh hồn hay đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu.

Vì thế, trong lịch sử Giáo Hội, tùy thời tùy nơi, và tùy khuynh hướng tâm linh của mỗi người, Thiên Chúa Quan Phòng đã nhờ Thánh Linh làm phát sinh nhiều đường hướng sống đạo, tu đức, nên thánh khác nhau phù hợp với bậc sống, tính tình, khuynh hướng, môi trường khác nhau của người Kitô hữu (11*).
________________________________
(11*)   Sách Giáo Lý Giáo Hội Công giáo viết:
          «Trong sự hiệp thông của các thánh, nhiều linh đạo khác nhau xưa nay vẫn phát triển suốt trong lòng lịch sử của các Giáo Hội. Chúa ban đặc sủng riêng cho một số vị chứng nhân của tình Chúa yêu thương con người. Đặc sủng ấy đã được truyền lại cho người đời sau. Chẳng hạn, “tinh thần” (hay “thần khí”) của Êlia được truyền lại cho Êlisê và Gioan Tẩy Giả, để các đồ đệ của họ có thể dự phần vào tinh thần ấy.
          «Một lối linh đạo cũng có thể khai sinh nơi chỗ hội tụ của những trào lưu phụng vụ và thần học. Linh đạo đó làm chứng cho việc đức tin hội nhập vào một môi trường nhưng lại cụ thể và vào lịch sử của môi trường đó.
          «Những trường phái linh đạo khác nhau của Kitô giáo đều cùng tham dự vào truyền thống sống động của việc cầu nguyện, và là những kẻ hướng dẫn cần thiết cho các tín hữu. Những luồng linh đạo phong phú và đa dạng đó là những đường khúc xạ phản ánh cùng một nguồn sáng thuần khiết duy nhất của Chúa Thánh Thần» (Giáo Lý Giáo Hội Công giáo, số §2690).

Chỉ có một Chúa Thánh Thần nhưng có nhiều nền linh đạo khác nhau. Có những linh đạo dành cho linh mục, có những linh đạo dành cho tu sĩ, và cũng có những linh đạo dành cho giáo dân.

Comments

Popular posts from this blog

Thư mời tham dự lễ trao giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền

Kết Quả Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền Năm 2018

Phong trào Giáo dân - Cơ sở Houston