Linh Đạo _ II. Linh Đạo Giáo Dân




Linh Đạo Phong trào

Giáo dân Việt Nam Hải Ngoại




PTGDVNHN có mục đích giúp Giáo dân:

1) Sống Đạo giữa đời

2) Đem Đạo vào đời

3) Hướng về Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam,

Bằng cách

− nâng đỡ nhau trong tình anh chị em như trong một gia đình,

− giúp nhau sống đích thực tinh thần Kitô giáo

ngay trong môi trường gia đình và xã hội mình đang sống.



II.

Linh Đạo Giáo Dân


A. Thiên Chúa mời gọi mọi người nên thánh



Là người Kitô hữu đồng thời cũng là con cái Thiên Chúa (1*), chúng ta được Ngài tạo dựng theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài (2*). Vì thế, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi nên thánh, sống thánh thiện xứng đáng với phẩm giá và chức vị làm con cái Ngài (3*), xứng đáng với sự sống và bản tính thần linh mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã thông ban cho ta (4*) khi ta lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy.

______________________________

(1*)     «Còn những ai đón nhận Ngài, tức là tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa» (Ga 1,12; x. Ep 1,5).

          «Chúa Cha yêu chúng ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa» (1 Ga 3,1.2);

          «Nhờ đức tin tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Ðức Kitô, đều mặc lấy Ðức Kitô» (Gl 3,26-27).

          «Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Ðức Kitô» (Rm 8,14.15b-17).

(2*)     «Ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh Ta, giống như Ta» (St 1,26; x. St 1,27; 5,1.3; 9,6). Chính vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, giống Thiên Chúa, chúng ta mới có khả năng «nên hoàn hảo như Cha Trên Trời là Đấng Hoàn Hảo» (Mt 5,48). Nếu không như thế, thì việc nên hoàn hảo như Ngài là hoàn toàn không thể, tương tự như loài thú không thể nên hoàn hảo như con người được.

(3*)     Nếu ta là con của một vị vua, một vị tổng thống, ta sẽ hành xử thế nào? Ta có thể hành xử (ăn mặc, nói năng, cư xử...) như một người thầm thường được không? Ta có giữ tư cách xứng đáng với địa vị là con vua, con tổng thống không? – Khi ý thức mình là con cái Thiên Chúa, ta có sống xứng đáng hay giữ tư cách phù hợp với địa vị đó không?

(4*)     «Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta điều hết sức quí báu và trọng đại mà Ngài đã hứa, đó là cho anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1,4).

          Có được Thiên Chúa thông ban bản tính thần linh của Ngài qua đức tin và phép Rửa, nghĩa là được Thiên Chúa nâng cấp bản tính của chúng ta lên mức độ thần linh, chúng ta mới có thể «nên hoàn thiện như Cha trên trời» (Mt 5,48) đúng như Đức Giêsu đã truyền dạy chúng ta.

          Đức Giêsu bảo họ: «Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: “Ta đã phán: các người là những bậc thần thánh”? Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh thì không thể bị hủy bỏ» (Ga 10,34-15)



1) Sống thánh thiện hay nên thánh là gì?



– Là sống tốt lành, trọn hảo như lời Ngài truyền dạy: «Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48) (5*).

______________________________

(5*)     Giavê nói với Môsê: «Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải là thánh, vì Ta, Ðức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Ðấng Thánh» (Lv 19,2); «Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi; các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh… Ta là Thiên Chúa của các ngươi; vậy các ngươi phải nên thánh vì Ta là Ðấng Thánh» (Lv 11,44ª.45b); «Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống như Ðấng Thánh, vì có lời chép: Hãy nên thánh, vì Ta là Thánh» (1Pr 1,15).



– Là sống theo mẫu gương trọn hảo của Chúa Kitô: «Anh em... hãy học với tôi, vì tôi hiền hậu và khiêm nhường từ trong lòng» (Mt 11,29). Nghĩa là bắt chước Chúa Kitô từ trong quan niệm, tâm tình, tư tưởng, đến lời nói, hành động bên ngoài (6*).

______________________________

(6*)     Muốn thế, chúng ta phải thường xuyên đọc và suy gẫm Lời Ngài trong Thánh Kinh để biết lòng của Ngài, tâm thức của Ngài, quan niệm và cách suy nghĩ của Ngài qua từng lời nói và hành động của Ngài hầu noi gương bắt chước, áp dụng thật sự trong đời sống thực tế. Công Đồng Vatican II  chủ trương: «Phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các Kitô hữu» (Vatican II, Mặc Khải §22).

          Đọc và suy gẫm Thánh Kinh hay Lời Chúa để có «tâm» như «tâm» của Ngài, có «lòng» giống như «lòng» của Ngài, và quan niệm giống như Ngài quan niệm, là điều quan trọng và nền tảng hơn việc bắt chước cách hành xử của Ngài. Khi có «tâm», «lòng» và quan niệm như Ngài, thì tự nhiên cách hành xử hay hành động của ta cũng sẽ giống Ngài. «Tu tâm», tức sửa đổi cái tâm, cái lòng bên trong cho giống tâm lòng của Thiên Chúa quan trọng hơn rất nhiều việc sửa đổi những thứ thấy được bên ngoài.

          Điều quan trọng là chúng ta phải thật sự áp dụng hay đem ra thực hành trong đời sống:

          – «Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá» (Mt 7,24);

          – «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. (22) Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” (23) Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: “Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”» (Mt 7, 21-23)



– Là theo Chúa Kitô, trở nên môn đệ của Chúa Kitô: «Các anh hãy theo tôi» (Mt 4,19). Người có lý tưởng nên thánh luôn luôn quyết tâm theo Chúa Kitô, luôn luôn ý thức mình là «môn đệ Chúa Kitô», là «con cái Thiên Chúa» chứ không phải là một «phàm nhân» và không chấp nhận cho mình chỉ hành xử như một «phàm nhân» (7*).

______________________________

(7*)     «Nếu sự công chính của các con không cao hơn những người Pharisiêu, các con không được vào Nước Trời» (Mt 5, 20).



2) Tầm quan trọng của việc nên thánh trong đời sống Kitô hữu



Người thật sự theo Chúa coi việc nên thánh là việc quan trọng nhất trong cuộc đời, và dành ưu tiên cho việc này hơn tất cả mọi việc khác tại trần gian như danh, lợi, thú, tình, tiền, quyền bính, sự nghiệp… Chúng ta cần phải làm mới lại ý thức và quyết tâm về điều này hằng ngày hằng giờ (8*).

______________________________

(8*)     Mỗi lần chúng ta ý thức lại và quyết tâm nên thánh, đồng thời coi việc nên thánh là việc quan trọng nhất trong cuộc đời, thì sẽ làm cả thiên đàng vui mừng tương tự như khi có người tội lỗi ăn năn trở lại: «Tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn» (Lc 15,7, x. Mt 18,13).



Người coi việc nên thánh là ưu tiên số một trong cuộc đời thì là người của Thiên Chúa, sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và quan phòng lo lắng cho người ấy tất cả những việc còn lại (9*).

______________________________

(9*)     «Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ lo liệu cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo» (Mt 6,33-34; x. Lc 12,29-31).



Ích lợi của việc theo Chúa hay nên thánh đáng cho ta từ bỏ tất cả mọi vinh hoa, lợi lộc phù phiếm của trần gian, vì Thiên Chúa sẽ bù lại cho ta gấp trăm bằng những lợi ích đích thực [theo cách nhìn khôn ngoan của Ngài] (10*), thậm chí ngay ở đời này (11*).

______________________________

(10*)   Tin Mừng viết: «Ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Ðức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì…  sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp» (Mt 19,27-29).

(11*)   «Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau» (Lc 10,29-30).



Vả lại, cuộc sống trần thế này là giả tạm, chóng qua; cuộc sống vĩnh cửu mai hậu mới là cuộc sống thực. Những gì thu thập được trong cuộc sống giả tạm này khi chết sẽ để lại tất cả, chẳng đem sang cuộc sống mới được gì. Chỉ có bản chất hay giá trị đích thực (12*) của ta –tức tình trạng thánh thiện hay tội lỗi– là theo ta sang bên kia thế giới. Bản chất đó sẽ quyết định hạnh phúc hay đau khổ cho ta trong cuộc sống mới vĩnh cửu.

______________________________

(12*)   Cần phân biệt giữa “cái ta có” và “cái ta là”:

          “Cái ta có” (nhà cửa, của cải, tiền bạc, quyền bính, danh vọng, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, v.v...) thì ở bên ngoài ta, có thể mất đi cách dễ dàng, và không thể đem qua cuộc sống vĩnh cửu mai hậu được.

          Còn «cái ta là», tức bản chất xấu tốt của ta (vị tha hay ích kỷ, khiêm nhường hay kiêu ngạo, rộng rãi hay keo bẩn,  v.v...) thì luôn luôn gắn liền với con người của ta, và theo ta mãi sang bên kia thế giới

          Nếu cuộc sống trần thế này tội lỗi, thất đức, dù có đạt được vinh hoa, phú quý đến đâu cũng chẳng lợi ích gì: «Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?» (Mt 16,26; x. Mc 8,36; Lc 9,25).

          Bước vào đời sống vĩnh cửu, thử hỏi ta có thể hoàn toàn hạnh phúc khi phải sống chung với những người còn ích kỷ, tham lam, còn ác ý, còn lãnh đạm, hẹp hòi, còn hay nghĩ xấu cho người khác, dù chỉ một chút xíu không? Chính họ có thể hoàn toàn hạnh phúc và làm cho những người chung quanh họ cũng hoàn toàn hạnh phúc cho đến đời đời, mà không hề gây ra một chút đau khổ nào không? Bản chất chưa hoàn hảo mà đã được sống ở Thiên Đàng thì ta sẽ làm ô nhiễm cái hạnh phúc tinh tuyền - không vương chút đau khổ - của Thiên Đàng rồi, và biến Thiên Đàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Đàng nữa. Do đó, Thiên Đàng đòi hỏi những người bước vào phải hoàn toàn trong sạch, tốt lành từ bản chất.



3) Cốt yếu của sự thánh thiện hay nên thánh là gì?



Chúa Giêsu định nghĩa sự thánh thiện và cho biết hai điều cốt yếu nhất của những người theo Chúa là: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24); «Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,38); và dấu chỉ tất yếu của người theo Chúa là: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35).



Như vậy, cốt yếu của sự thánh thiện nằm ở ba điều: tinh thần từ bỏ chính mình, sẵn sàng vác thập  giá, và thể hiện lòng yêu thương đối với mọi người (không trừ ai) (13*).

______________________________

(13*)   Lòng yêu thương hay Đức Ái Kitô giáo luôn luôn bao hàm sự công bằng. Công bằng chính là nền tảng của Đức Ái. Không thể nói mình yêu thương người khác khi mình đối xử bất công với họ. Công Bằng và Bác Ái là hai đức tính nền tảng của đạo đức Kitô giáo.



a– Từ bỏ chính mình: là quên mình, coi nhẹ bản thân mình, đồng thời đặt lợi ích, ý kiến, ý muốn, danh dự… của Thiên Chúa và tha nhân lên trên lợi ích… của mình (14*). Có coi nhẹ “cái tôi” của mình, chúng ta mới có thể yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu truyền  dạy (15*). “Cái chất tôi” của mình càng nhỏ đi thì “cái chất thần linh” của mình càng lớn lên (16*); ngược lại, “cái tôi” của mình càng lớn, thì sự hiện diện hoạt động của Chúa ở trong ta càng nhỏ. Chỉ khi nào ta coi “cái tôi” của ta không là gì cả, thì ta mới có thể nói được như thánh Phaolô: «Tôi sống, nhưng phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20)(17*).

______________________________

(14*)   «Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước» (Đường Hy Vọng, Ch.1, §3); «Hãy bỏ mình, vác thánh giá mỗi ngày và đóng đinh mình trên thánh giá ấy» (Ch. 4, §73); «Ai chưa “bỏ mình vác thánh giá” thì chưa “theo Thày” được. Điều kiện tiên quyết» (Ch. 8, §157);

(15*)   «Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Mt 22,39; x. Mc12,31; Lc 10,27); «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,34-35; x. 15,12; 1Ga 3,11; 3,23).

(16*)   Gioan Tẩy giả nói về Chúa Giêsu: “Tôi phải nhỏ đi, còn Người phải lớn lên” (Ga 3,30); «Ai tự hạ mình, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời» (Mt 18,3)

(17*)   Hoặc có thể nói tương tự: «Tôi làm nhưng không phải tôi làm, mà là Chúa Kitô làm trong tôi», chỉ trong tình trạng tâm linh này thì những việc làm ấy mới có hiệu quả tâm linh đích thực.



Tinh thần từ bỏ chính mình được thực hiện trong tâm thức coi nhẹ “cái tôi” của mình. Nó cũng cần được thể hiện cụ thể thành việc làm hay cuộc sống qua việc sẵn sàng “vác thập giá mình” theo gương Chúa Kitô (18*).

______________________________

(18*)   «Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,6-8).

          «Hạt lúa được gieo vào lòng đất nếu không chết đi, nó vẫn chỉ là hạt lúa, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác» (Ga 12, 24).



b– Vác thập giá mình: là sẵn sàng chấp nhận những điều trái ý như đau khổ, thiệt thòi, mất mát, bệnh tật, đau đớn, bị xúc phạm… xảy đến trong cuộc đời mình, nhất là khi tình yêu tha nhân đòi hỏi. Có sẵn sàng chấp nhận những đau khổ, thiệt thòi ta mới dễ dàng hy sinh cho Thiên Chúa và tha nhân để thể hiện tình yêu của mình (19*).

______________________________

(19*)   «Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được» (Mt 14,27);

          «Có người không vác thánh giá của mình hay của người khác mà tưởng tượng thánh giá mình quá nặng. Có người vác thánh giá cả làng mà không vác thánh giá của mình. Có người vác thánh giá cả làng và gán thánh giá của mình bắt kẻ khác vác» (ĐHV §18).

          «Thử thách gian khổ là “giấy phép theo Chúa” để hưởng hạnh phúc hân hoan với Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá...”» (ĐHV §714).



Người sẵn sàng «từ bỏ chính mình, vác thập giá mình» để theo Chúa sẽ không tự kiêu, tự mãn, không khoe khoang (show up), không phản ứng bất lợi đối với những kẻ xúc phạm, nói xấu, vu khống ta, trái lại sẵn sàng tha thứ (20*) và cầu mong điều tốt lành cho họ (21*). Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho ta về hai đức tính này (22*) và dạy ta thực hành (23).

______________________________

(20*)   «Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em» (Mt 6,14-15; x. Mt 18,35; Mc 11,25-26; Lc 6,37b); «“Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”... “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”» (Mt 18,21-22); «Bấy giờ Ðức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”» (Lc 23,34).

(21*)   «Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời» (Mt 5,44-45a).

(22*)   «Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,6-8)

(23*)   «Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi» (Mt 5,39-42).



c– Yêu thương nhau: Đây là luật tối thượng của luân lý Kitô giáo (24*): Không chỉ yêu thương những người thân của mình, mà phải yêu thương cả những người xa lạ (25*), thậm chí cả kẻ thù mình (26*).

______________________________

(24*)   «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34); «Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12 x.17).

          Đức ái chính là hiến pháp, là luật tối thượng bao trùm tất cả mọi khoản luật. Thánh Giacôbê cho đức ái là luật cao nhất của Kinh Thánh: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). Thánh Phaolô nói «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8; x. 18,10). Thánh Âu Tinh cũng nói: «Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm» (Ama et fac quod vis).

          «Hãy yêu thương nhau không bằng lời nói mà bằng việc làm. Hãy yêu thương nhau bằng tay mặt mà tay trái không biết» (ĐHV §755)

(25*)   «Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?» (Mt 5,46-47).

(26*)   «Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em» (Mt 5,44); «Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả» (Mt 6,35);



d- Sống công bằng: Nền tảng của yêu thương là tinh thần tôn trọng công bằng. Công bằng là tôn trọng quyền và lợi của tha nhân đúng như luật Thiên Chúa và luật con người đòi hỏi. Ta không thể yêu thương ai đúng nghĩa khi ta đối xử không công bằng với người ấy (27*)

______________________________

(27*)   Người giáo dân muốn «sống đạo giữa đời» và muốn «đem đạo vào đời» phải thật sự quan tâm đến việc sống công bằng đối với mọi người, và phải nỗ lực tạo «công bằng xã hội» đồng thời chống lại những bất công và những cơ chế gây bất công trong xã hội mình đang sống.



4) Tiêu chuẩn thẩm định sự thánh thiện hay giá trị tâm linh của con người



«Từ bỏ mình» và «vác thập giá mình» là hai tiêu chuẩn nền tảng và là thước đo chắc chắn nhất để xác định mức độ thánh thiện hay sự tiến triển tâm linh của một con người.



«Từ bỏ mình» và sẵn sàng «vác thập giá mình» là nền tảng và là điều kiện cần thiết không thể thiếu để có thể thực hiện hai điều cốt yếu của việc nên thánh là yêu thương mọi người và  sống công bằng với mọi người. Không từ bỏ mình và không chấp nhận vác thập giá mình thì không thể tôn trọng sự công bằng và yêu thương đích thực được. Yêu thương mà thiếu hai điều kiện ấy thì chỉ là thứ yêu thương giả dối, yêu thương bằng môi miệng.



Tự hào mình là người theo Chúa và coi việc nên thánh là ưu tiên số một của cuộc đời mình mà không chịu «từ bỏ mình» và sẵn sàng «vác thập giá mình» để có thể thật sự sống công bằng và yêu thương mọi người thì sự tự hào đó chỉ là một ảo tưởng và là hành vi tự dối mình (28*).

______________________________

(28*)   Chính Chúa Giêsu định nghĩa “người theo Ngài” hay “môn đệ của Ngài” như sau: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24); «Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,38).

Comments

Popular posts from this blog

Thư mời tham dự lễ trao giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền

Kết Quả Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền Năm 2018

Phong trào Giáo dân - Cơ sở Houston